Đạo đức xuất bản

Việc công bố một bài báo trên Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh được thực hiện thông qua quá trình phản biện, phản ánh trực tiếp chất lượng công trình nghiên cứu của tác giả và/hoặc tập thể tác giả. Các bài báo được thẩm định bởi các chuyên gia phản biện uy tín sẽ góp phần hỗ trợ và thể hiện rõ phương pháp khoa học.

Vì vậy, tất cả các bên liên quan tới việc xuất bản bài báo trên Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh phải tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức xuất bản mà Tạp chí quy định.

Trách nhiệm của Tổng Biên tập

  1. Tổng Biên tập chịu trách nhiệm duyệt danh sách chuyên gia phản biện và là người cuối cùng duyệt các bài viết dự kiến đăng trên Tạp chí.
  2. Tổng Biên tập phải đảm bảo bài gửi đăng được đánh giá sơ loại, bao gồm việc kiểm tra thể thức và nguồn gốc của bài viết, trước khi được chuyển tiếp đến một chuyên gia để phản biện kín. 
  3. Dựa vào kết quả phản biện, Tổng Biên tập có quyền chấp nhận hay từ chối bài gửi đăng, hoặc yêu cầu chỉnh sửa.

Trách nhiệm của tác giả

  1. Tác giả phải chịu trách nhiệm chính và trực tiếp trước pháp luật, lãnh đạo Tạp chí về nội dung, chất lượng, tính hợp pháp và vấn đề đạo văn (nếu có) của bài báo; tuân thủ theo Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam và quốc tế. Tác giả cần đảm bảo rằng mình đã viết toàn bộ bài nghiên cứu gốc; nếu tác giả sử dụng tác phẩm của người khác thì phải có trích dẫn rõ ràng, chi tiết và trong một số trường hợp đặc biệt cần phải có sự đồng ý của cá nhân sở hữu tác phẩm đó. Tác giả phải tuân thủ hướng dẫn về cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo bài báo do Tạp chí ban hành; được khuyến khích sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn iThenticate hoặc các công cụ khác để tự sàng lọc mức độ trùng lặp trước khi chính thức nộp bài cho Tạp chí. 
  2. Tác giả chịu trách nhiệm về việc sắp xếp thứ tự tên của mình và các đồng tác giả khác cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên. Trong đó: (i) Tác giả liên hệ: Chịu trách nhiệm về công bố khoa học của nhóm tác giả. (ii) Các đồng tác giả: Cùng tham gia thực hiện công trình nghiên cứu, chỉnh sửa, góp ý để hoàn thiện chất lượng của bài báo. 
  3. Tuân thủ các quy định về thể lệ đăng bài của Tạp chí; chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bài viết theo yêu cầu của chuyên gia phản biện và Hội đồng Biên tập.
  4. Tác giả không được gửi bản thảo bài viết đến tạp chí khác trong khi chưa có quyết định xét duyệt cuối cùng của Hội đồng Biên tập Tạp chí và phải chịu trách nhiệm về việc đăng bài báo trùng lặp với tạp chí khác (nếu có); không được cung cấp thông tin liên quan đến bản thân trong bài viết; không được tiếp xúc với phản biện trong quá trình tòa soạn xử lý bài viết.
  5. Giải trình với Tổng Biên tập khi bài viết đã được duyệt đăng nhưng tác giả, vì một lý do nào đó, không còn muốn đăng trên Tạp chí nữa. Nếu lý do mà tác giả đưa ra không được Tổng Biên tập chấp nhận, tác giả sẽ phải hoàn trả ít nhất là thù lao phản biện và hiệu đính bài viết cho Tạp chí.
  6. Khi phát hiện ra một lỗi sai hệ trọng hoặc không chính xác trong bài báo đã được xuất bản, tác giả có trách nhiệm thông báo ngay cho Tạp chí và phối hợp với Tạp chí để rút lại hoặc chỉnh sửa bài báo nếu Tổng Biên tập xét thấy cần thiết. Nếu Tạp chí nhận được thông báo từ bên thứ ba về lỗi sai trong ấn phẩm, tác giả có trách nhiệm hợp tác với Tạp chí, bao gồm việc cung cấp bằng chứng cho Tạp chí khi được yêu cầu.

Trách nhiệm của chuyên gia phản biện

  1. Chuyên gia phản biện được mời thẩm định bài viết theo quy trình phản biện kín hai chiều, có trách nhiệm đánh giá nội dung khoa học của bài viết một cách khách quan, trung thực, hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định.
  2. Chuyên gia phản biện có trách nhiệm tư vấn cho Hội đồng Biên tập về chất lượng thông tin và nội dung khoa học của bài viết, đưa ra kết quả phản biện để giúp Tổng Biên tập lựa chọn các bài viết; được khuyến khích sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn iThenticate hoặc các công cụ khác để sàng lọc mức độ trùng lặp trong quá trình phản biện bài viết.
  3. Chuyên gia phản biện không được để lộ thông tin liên quan đến bài viết mà họ chấp nhận đánh giá.
  4. Chuyên gia phản biện phải đảm bảo rằng thông tin trình bày trong bài viết có nguồn gốc rõ ràng. Bất kỳ sự giống nhau nào giữa bài viết gửi đăng và (các) bài báo đã xuất bản khác phải được thông báo ngay cho Tổng Biên tập.
  5. Chuyên gia phản biện nêu rõ quan điểm về bài viết được đánh giá bằng những nhận xét rõ ràng.
  6. Trong trường hợp chuyên gia phản biện thấy không thể hoàn thành quá trình phản biện thì phải thông báo ngay cho Tổng Biên tập để chuyển bài viết cho người khác đánh giá.